Lượt xem: 1250

Sản xuất cây ăn trái có múi trên gốc ghép chịu mặn

Thời gian gần đây, ngoài thế mạnh về thủy sản và cây lúa thì cây ăn trái, đặc biệt là một số loại cây ăn trái đặc sản như: Vú sữa, bưởi, nhãn... cũng là sản phẩm tiềm năng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho rất nhiều nhà vườn tại Sóc Trăng, với diện tích hiện tại đã phát triển lên đến gần 28.000 hecta. Cũng như nhiều cây trồng khác, cây ăn trái vẫn phải thường xuyên đối mặt với những rủi ro, thiệt hại từ xâm nhập mặn. Trước tình hình này, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành sản xuất, trồng thử nghiệm giống cây ăn trái trên gốc ghép chịu mặn nhằm giúp bà con nông dân phát triển vùng trồng bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

 


Thực nghiệm ghép cây ăn trái trên gốc ghép chịu mặn.

 

    Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn trái chủ lực chiếm khoảng 56% diện tích cây ăn trái toàn miền Nam, chiếm 33,9% tổng diện tích cây ăn trái cả nước; cung cấp nhiều loại cây ăn trái phục vụ cho nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn trái cả nước nói chung và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện, liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng, giá trị và chất lượng. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan xảy ra với mật độ thường xuyên, hạn hán và xâm nhập mặn không còn diễn ra theo chu kỳ đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất cây ăn trái tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

    Tại Sóc Trăng, đất đai ven sông Hậu rất trù phú do phù sa bồi đắp hằng năm, phù hợp cho việc phát triển cây ăn trái. Toàn tỉnh hiện cũng đã có gần 28.000 hecta vườn cây ăn trái được khai thác từ lợi thế này, trong đó có hơn 50% diện tích trồng  cây ăn trái đặc sản. Tuy nhiên, các vùng trồng cây ăn trái  của tỉnh thường gặp trở ngại trong canh tác vào mùa nắng nóng, đặc biệt là từ tháng 2 đến tháng 4 dương lịch hằng năm do mặn xâm nhập. Ảnh hưởng nặng nhất là các địa phương dọc sông Hậu như các huyện: Long Phú, Cù Lao Dung, Kế Sách.  Anh Trần Văn Thảo - nhà vườn trồng sầu riêng ở ấp Ba Lăng, xã Kế Thành, huyện Kế Sách cho biết: “Vườn nhà tôi có 2 hecta trồng sầu riêng; mặc dù đầu mùa khô năm nào cũng chủ động nạo vét kênh mương để trữ nước ngọt, nhưng khi xâm nhập mặn kéo dài và nồng độ mặn cao thì vườn cây cũng bắt đầu khô cằn, cháy lá. Như trong đợt hạn, mặn năm 2019 – 2020 làm giảm năng suất cho trái khoảng 50%”.

    Làm thế nào để bảo vệ cây ăn trái trong điều kiện nước mặn xâm nhập mạnh, hạn hán kéo dài… đang là vấn đề cấp bách đặt ra trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của cả nước. Vì vậy việc thanh lọc mặn các nguồn gen đang có trong tự nhiên để tìm ra được những giống/dòng có khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường để làm gốc ghép cho các giống cây thương phẩm được xem là giải pháp khả thi nhất trong giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện nay. Theo đó, trong thời gian từ năm 2017- 2020, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã nghiên cứu, sưu tập, thanh lọc khả năng chịu mặn và đã chọn được một số gốc ghép chống chịu với điều kiện bất lợi với môi trường; khả năng sinh trưởng, cho trái tốt ngay trong điều kiện nắng nóng kéo dài. Kết quả, đã chọn được các dòng/giống cây có múi gồm: Bưởi bòng, bưởi bung, bưởi đường hồng với khả năng chống chịu mặn tốt ở nồng độ mặn 8‰ vào 56 ngày sau khi xử lý mặn trong điều kiện nhà lưới; có khả năng tiếp hợp tốt với các giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: Cam xoàn, quýt đường, bưởi năm roi, bưởi da xanh, cam sành. Ngoài ra, quá trình nghiên cứu, thanh lọc cũng cho thấy, cây quách có khả năng chống chịu mặn 6‰ sau 8 tuần xử lý mặn trong điều kiện nhà lưới; có khả năng tiếp hợp tốt với các giống cây ăn trái như: Cam xoàn, quýt đường, cam mật, cam mật không hạt, cam sành, chanh không hạt. Kết quả đánh giá ngoài đồng ở các mô hình sản xuất cũng cho thấy các dòng/giống trên có khả năng sinh trưởng, phát triển, chống chịu mặn tốt trong điều kiện thực tế tại tỉnh Sóc Trăng.

    Kỹ sư Phạm Minh Quân - cán bộ kỹ thuật Trại thực nghiệm giống cây trồng Kế Sách thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Mặc dù đã chọn lọc và tiến hành sản xuất thành công nhiều loại cây ăn trái trên gốc ghép chịu mặn; nhưng để khai thác có hiệu quả thì khi đưa vào canh tác, nhà vườn cần lưu ý một số vấn đề sau: Cây giống được chọn phải phù hợp với điều kiện địa phương và thị trường tiêu thụ. Tùy theo từng loại giống cây trồng có thể bố trí khoảng cách trồng phù hợp; tăng cường bón phân chuồng hoai mục có Trichoderma để phòng trị bệnh vàng lá, thối rễ; sử dụng các loại thuốc gốc đồng để trị bệnh loét; theo dõi thường xuyên và phòng trị rầy cho cây có múi, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật để phun vào mỗi đợt đọt non khi cây xuất hiện bệnh vàng lá Greening; thường xuyên quan sát và kết hợp trộn thuốc trừ sâu dạng hạt với phân bón cho mỗi lần bón phân khi phát hiện sâu đục thân gây hại trên gốc quách. Nhìn chung, việc chăm sóc các giống cây ăn trái trên gốc ghép chịu mặn cũng không khác nhiều so với các giống cây ăn trái thông thường”.

    Rút kinh nghiệm từ nhiều đợt hạn, mặn vừa qua, các giải pháp công trình, phi công trình ứng phó hạn, mặn tại tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thiện phương án, chủ trương đầu tư, năng lực chống chịu tốt hơn theo từng năm. Bên cạnh giải pháp công trình thì xu thế canh tác thích ứng với hạn, mặn mang tính lâu dài được ngành chuyên môn và các huyện ưu tiên là chuyển đổi cây trồng tiết kiệm nước tưới ở địa bàn có nguy cơ cao, vì vậy phát triển cây ăn trái có múi từ gốc ghép chịu mặn được xem là giải pháp hữu hiệu nhất trước diễn biến cực đoan của thời tiết, khí hậu.

    Trên cơ sở kết quả có được sau quá trình triển khai thực nghiệm, thời gian tới, Trung tâm Giống nông nghiệp Sóc Trăng sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tập thêm các gốc ghép chịu mặn khác tương thích với các giống cây ăn trái có hiệu quả kinh tế trên địa bàn tỉnh sao cho phù hợp với thổ nhưỡng tại từng địa phương. Thạc sĩ Hứa Thanh Xuân - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Giống nông nghiệp Sóc Trăng thông tin thêm: “Chúng tôi sẽ tập trung vừa nghiên cứu thêm nhiều cây trồng thích nghi tốt với hạn, mặn; vừa sản xuất nhiều hơn các giống cây trồng này để triển khai nhân rộng đến các nhà vườn có nhu cầu canh tác. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ mở các lớp tập huấn, chuyển giao về kỹ thuật ghép cành, kỹ thuật canh tác đối với các cây trồng sử dụng gốc ghép... để nhà vườn có thể tự tiến hành ươm nếu có đủ điều kiện”.

    Cây ăn trái có thể chống chịu thời gian khô hạn tốt hơn cây công nghiệp ngắn ngày hay cây lúa, nhưng sẽ bị giảm khả năng phát triển, chuyện thất mùa là không tránh khỏi. Chính vì vậy, việc khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép đối với khả năng chống chịu điều kiện bất lợi của môi trường, điển hình như hiện tượng hạn, mặn trên cây ăn trái được xem là giải pháp có tính khả thi. Góp phần duy trì và phát triền bền vững vùng trồng cây ăn trái của tỉnh xứng tầm với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Đồng thời, cải thiện đáng kể thu nhập cho nhà vườn khi sản lượng và chất lượng cây trồng không còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi tác động của xâm nhập mặn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 87
  • Hôm nay: 6370
  • Trong tuần: 73,690
  • Tất cả: 11,857,879